Kỹ thuật nuôi ngựa thịt đã khó, việc nuôi ngựa sinh sản còn khó khăn hơn, đòi hỏi người nuôi phải có kinh nghiệm, hiểu rõ tập hơn tính của loại vật này. Để nuôi ngựa cái sinh sản thành công, bà con nên tìm kiếm lời khuyên từ các chuyên gia, chủ trại ngựa có kinh nghiệm. Những kỹ thuật nuôi ngựa sinh sản dưới đây chỉ mang tính tham khảo, việc nuôi trong thực tế sẽ có nhiều khác biệt.
I. Dấu hiệu ngựa cái động dục
Mùa sinh sản của ngựa bắt đầu từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau.
Ngựa cái bắt đầu động dục và sinh sản tốt nhất khi đạt 36 tháng tuổi trở lên. Khi động dục ngựa cái thường có các biểu hiện như ngơ ngác tìm đực, thả đàn tự do sẽ theo đến gần ngựa đực, cong đuôi, đái rắt.
Bà con nên theo dõi kỹ các biểu hiện động dục của ngựa cái để cho chúng phối giống, tránh để quá thì sẽ lỡ mất chu kỳ sinh sản, gây lãng phí. Khi chúng phối giống nên nhờ các chuyên gia hoặc người có kinh nghiệm đỡ phối thì tỉ lệ đậu mới cao. Vì việc phối giống ngựa đòi hỏi cả con đực và cái phải được phối đúng thời điểm, đúng kỹ thuật.
II. Chăm sóc ngựa cái mang thai
Khi con cái mang thai nên chăm sóc cho ăn từ 1-1,5 kg/ngày (nguồn thức ăn tinh là ngô, cám, thóc…) lượng thức ăn thô cần bằng 12-15% khối lượng cơ thể.
Không nên thả tự do ngựa cái đang mang thai mà nên chăn thả riêng hoặc nhốt riêng để tránh bị động thai, sảy thai, sinh non. Chuồng cần phải dọn sạch sẽ, vệ sinh thường xuyên, sát trùng để giảm lây lan nguồn bệnh.
Cho ngựa mẹ tắm trong những ngày thời tiết có nắng, tránh để gió lừa vào chuồng khi thời tiết lạnh sẽ khiến ngựa mẹ bị bệnh. Ngựa mẹ sẽ mang thai từ 11 tới 12 tháng tùy từng giống. Thời gian ngựa mẹ mang thai nên hạn chế để chúng làm việc nặng, chỉ làm việc nhẹ, trước sinh 1 tháng hoặc 20 ngày thì cho ngựa cái nghỉ hẳn để dưỡng sức sinh con.
III. Đỡ đẻ cho ngựa
Thời gian ngựa sinh sản là quan trọng nhất. Thông thường ngựa hay đẻ vào vào đêm lúc 8-10 giờ đêm và 3-4 giờ sáng, đẻ trong tư thế nằm. Bà con cần chú ý theo dõi sát sao để hỗ trợ sinh khi chúng sinh khó, cắt rốn ngựa con và sát trùng tránh bị nhiễm trùng.
Lau khô thân cho ngựa con và khuyến khích ngựa bú mẹ càng sớm càng tốt. Nếu ngựa mẹ không cho con bú thì phải khống chế vì sữa mẹ ban đầu rất tốt, giúp ngựa con tăng sức đề kháng.
Việc đỡ đẻ cho ngựa có thể gần giống như đỡ đẻ cho trâu bò. Nếu bà con chưa có kinh nghiệm đỡ thì nên nhờ người đã có kinh nghiệm phòng trường hợp đẻ khó còn xử lý kịp thời.