Mô hình nuôi cá chép. Kĩ thuật nuôi cá chép cho năng suất cao


Cá chép là loại cá nước ngọt, sống thành bầy, dễ nuôi do có thể sống được trong nhiều điều kiện khác nhau nhưng chúng chủ yếu thích dòng nước chảy chậm, môi trường nước rộng cùng nhiều rong rêu. Cá chép rất tạp ăn và chúng gần như có thể ăn mọi thứ: côn trùng, thực vật thủy sinh, cá chết… Cá chép là loại cá có giá trị kinh tế cao, tuy nhiên, để nuôi cá cho năng suất cao mà vẫn thơm ngon, chắc thịt là điều không phải bà con nào cũng hiểu rõ.

Mô hình nuôi cá chép. Kĩ thuật nuôi cá chép cho năng suất cao

Mô hình nuôi cá chép mà chúng tôi giới thiệu dưới đây, sẽ giúp bà con bổ sung những kiến thức cần thiết khi bà con có ý định đầu tư vào mô hình này.

Điều kiện tiên quyết cho việc chăn nuôi cá chép với năng suất cao, chính là bà con phải chú ý đảm bảo đúng kỹ thuật trong từng công đoạn: chuẩn bị ao nuôi, cách chọn và thả cá giống, quản lý và chăm sóc ao.

Chuẩn bị ao nuôi

Việc chuẩn bị ao nuôi là khâu rất quan trọng, không chỉ trong mô hình nuôi cá chép mà còn với tất cả các loại cá. Bà con nên lưu ý những kỹ thuật sau:

Điều kiện của đất trong ao

Đất không bị chua hay mặn, không bị nhiễm phèn, phải gần nguồn nước sạch, kiểm tra kỹ đề phòng các mạch nước ngầm độc hại cho cá.

Điều kiện của ao

Nên đào ao hình chữ nhật với chiều dài gấp rưỡi hoặc gấp hai lần chiều rộng. Bà con nên tu sửa bờ ao, kiểm tra đăng cống, lấp các hang hốc ven bờ ao, phát quang bờ bụi để mặt ao được thoáng. Bà con cũng nên tát cạn ao, nạo vét nếu có quá nhiều bùn, dọn sạch bèo cỏ.

Diệt mầm bệnh trong ao

Bà con lưu ý tẩy vôi khắp đáy ao để tiêu diệt các nguy cơ gây bệnh cho cá: dùng 8-10kg vôi bột cho 100m2 đáy ao, và gấp đôi lượng vôi bột nếu ao bị chua hoặc vụ trước ao nuôi cá bị bệnh (15-20kg/100m2). Sau khi tạt vôi, bà con tiến hành phơi ao trong 3-5 ngày, rải đều khắp ao phân chuồng đã được ủ kỹ cùng với lá xanh thân mềm với liều lượng: 30-40kg phân chuồng và 40-50kg lá xanh cho 100m2. Để phân chuồng và lá trộn đều với bùn, bà con có thể dùng trâu bừa đáy ao vài lượt.

Mô hình nuôi cá chép. Kĩ thuật nuôi cá chép cho năng suất cao

Điều kiện của nước trong ao

Để đảm bảo có đủ nguồn thức ăn và chất dinh dưỡng tự nhiên cho cá sinh trưởng và phát triển, bà con nên giữ nước trong ao thả cá luôn có màu xanh nõn chuối bằng cách: lọc nước đạt mức sâu 0.5m và tiến hành ngâm ao từ 5-7 ngày, tiếp tục lọc nước vào ao ở độ sâu 1m. Bà con lưu ý dùng lưới để càn lọc nước tránh trường hợp cá tạp tràn vào ao nuôi.

Khi đã thực hiện xong các yêu cầu nêu trên cho công đoạn chuẩn bị ao nuôi, bà con có thể tiến hành thả cá chép giống vào ao. Tuy nhiên, chọn và thả cá giống cũng là một công đoạn mà bà con cần lưu ý để đảm bảo cá thành phẩm đạt yêu cầu chất lượng.

Chọn và thả cá giống

Chất lượng cá giống

Muốn chọn loại cá giống khỏe mạnh, bà con cần chọn những con cá bơi lội theo đàn linh hoạt, khi có tiếng động thì phản xạ nhanh. Cá quẫy khỏe khi vớt lên, toàn thân trơn bóng, không bị tróc vảy hay rách vây, cá còn nhiều nhớt, thân mình không khô, không bệnh.

Kích cỡ cá giống

Để chọn kích cỡ cá giống, bà con cần dựa theo điều kiện của từng ao nuôi cũng như thời gian nuôi. Nếu bà con có ao nuôi diện tích nhỏ, với thời gian nuôi dài thì thả giống kích cỡ nhỏ. Nếu ao nuôi có diện tích lớn khó trong việc quản lý chăm sóc, hoặc bà con muốn nuôi trong thời gian ngắn, thì nên cân nhắc chọn cá giống kích cỡ lớn.

Thả thử cá giống vào nước

Để đảm bảo cá giống là loại tốt cũng như nguồn nước trong ao nuôi đạt tiêu chuẩn, bà con có thể dùng cách như sau: bắt 15-20 con cá giống thả thử vào ao, theo dõi cá trong 20-30 phút. Nếu cá hoạt bát nghĩa là cá giống tốt, có thể tiến hành thả nuôi cá bình thường. Nếu cá hoạt động chậm chạp hoặc chết thì không được tiếp tục thả cá mà phải kiểm tra lại chất lượng cá giống, nguồn nước và nguồn thức ăn.

Tắm cho cá giống

Để phòng bệnh cho cá, sau khi vận chuyển cá giống về ao, bà con nên tắm cho cá giống qua nước muối ăn: hòa tan 300g muối ăn vào 10 lít nước và tắm cho cá bằng vợt.

Trách sốc nhiệt cho cá

Cá giống khi vận chuyển về, khi thả vào ao có thể sẽ bị sốc nhiệt do nhiệt độ nước ao và nước chứa cá chênh lệch. Để cân bằng nhiêt độ nước giữa hai môi trường, bà con cần lưu ý tiến hành như sau: trước khi thả cá, bà con ngâm túi chứa cá xuống ao 10-15 phút. Khi thả cá bà con cần cho nước ao từ từ tràn vào túi bằng cách nhấm chìm một nửa miệng túi xuống ao. Thời điểm tốt nhất để thả cá là sáng sớm hoặc chiều tối, lúc thời tiết mát mẻ, không mưa.

Để thu được cá đạt năng suất cao thì bên cạnh việc chuẩn bị ao nuôi đúng tiêu chuẩn, chọn cá giống khỏe, bà con cũng cần lưu ý đến việc quản lý và chăm sóc ao trong quá trình nuôi.

Mô hình nuôi cá chép. Kĩ thuật nuôi cá chép cho năng suất cao

Quản lý và chăm sóc ao

Thức ăn cho cá

Bà con cần dựa vào mật độ của đàn cá nuôi trong ao để quyết định tỉ lệ thức ăn cho cá sao cho hợp lý nhất, tránh thiếu hụt hoặc dư thừa lãng phí. Bà con có thể cho cá ăn những loại thức ăn như sau: chất bột ngũ cốc (cám gạo, tinh bột ngô, bột sắn…) chiếm 70-80%, các loại động vật nhỏ (cua, ốc, giun đất, nhái…) chiếm 20-30%. Bà con có thể dùng thức ăn công nghiệp dạng sợi hoặc nắm rải cho cá ăn vào sáng và chiều tối.

Quản lý ao nuôi

Bà con cần đến thăm ao hàng ngày lúc sáng sớm và chiều tối để phát hiện các hiện tượng có ảnh hưởng đến ao cá như: cá nổi đầu, nước ao bạc màu, cá bị đánh trộm… Bà con cần để ý màu nước ao, tình trạng của cá trong ao: cá no, cá đói, cá bệnh tật và theo dõi tình hình thời tiết, kiểm tra ao khi có mưa to gió lớn, bão giông…

Trên đây chúng tôi đã giới thiệu về mô hình nuôi cá chép và các kỹ thuật chăn nuôi cá chép cho năng suất cao. Hi vọng chúng tôi đã mang lại những thông tin bổ ích cho bà con, giúp bà con phát triển mô hình chăn nuôi thủy sản mang lại các sản phẩm có chất lượng.



Bà con muốn mua hoặc bán cây giống, con giống?

Đăng Bán / Mua

1 COMMENT

HÃY CHIA SẺ SUY NGHĨ CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT?! (Bình luận của bạn sẽ hiển thị sau khi được quản trị viên phê duyệt)

Please enter your comment!
Please enter your name here