Những quả trứng gà đẻ ra chỉ có một lớp màng lụa mềm bên ngoài, không có vỏ cứng thì được gọi là trứng non. Trứng này hoàn toàn không đạt yêu cầu, không thể cung cấp ra ngoài thị trường và khiến bà con thiệt hại kinh tế rất nhiều. Vậy tại sao có hiện tượng gà đẻ trứng non? Và phải làm sao khi gà đẻ trứng non. Dưới đây sẽ là nguyên nhân và cách chữa trị chi tiết.
I. Nguyên nhân gà đẻ trứng non
Trứng gà được chia thành 2 phần là lớp vỏ cứng bên ngoài và phần lòng đỏ bên trong. Lớp vỏ trứng có lớp vỏ cứng và màng trứng ngay sát lớp vỏ cứng và lòng đỏ có đặc điểm mềm và dai. Khi gà đẻ trứng non tức là chưa hình thành phần vỏ trứng cứng bên ngoài, chỉ có lớp màng bao bọc lòng đỏ.
Nguyên nhân khiến gà đẻ trứng non có thể là:
1. Thiếu chất dinh dưỡng
Thông thường, nguồn dinh dưỡng của gà phải đa dạng đầy đủ đủ chất dinh dưỡng, đạm, bột, chất xơ… Trong đó các nhóm chất cụ thể như Canxi, vitamin E, B12, D và phosphore, selenium là rất cần thiết cho gà, đặc biệt là thành phần canxi dành cho gà đẻ trứng.
Canxi thường có nhiều trong bột sò, bột xương, bột cá, bánh dầu lạc và đậu tương… Nếu gà không được cho ăn nguồn dinh dưỡng này thì gà sẽ đẻ trứng non. Một lưu ý là nếu cho chúng ăn nhóm thức ăn trên nhưng dạng khó tiêu hóa thì gà cũng không nhận đủ chất dinh dưỡng.
2. Thiếu ánh sáng
Ánh sáng là một yếu tố không thể thiếu dành cho gà sinh sản. Gà cần cung cấp ánh sáng ít nhất 12 tiếng mỗi ngày, nếu mùa đông thiếu sáng thì phải thắp thêm điện để gà nhận được ánh sáng cần thiết. Ánh sáng sẽ cung cấp cho gà vitamin D, đây là thành phần phải có giúp gà tăng cường hấp thụ canxi từ thức ăn, giúp tổng hợp được thành phần vỏ trứng ở trứng gà.
3. Gà đang bị bệnh
Gà bị mắc các bệnh như viêm đường hô hấp, kém ăn cũng là nguyên nhân khiến trứng đẻ không đạt chất lượng. Gà mái sẽ kém ăn, suy nhược, stress ảnh hưởng đến việc hình thành vỏ trứng
4. Gà bị sốc nhiệt
Chuồng gà nuôi nếu quá đông, quá kín gà sẽ bị hiện tượng sốc do nhiệt độ quá cao.
Bà con nên chú ý theo dõi đàn gà hàng ngày, kiểm tra lượng thức ăn để biết được nguyên nhân gà bị đẻ trứng non vì sao để có được cách khắc phục hiệu quả nhất, chính xác nhất.
II. Cách khắc phục gà đẻ trứng non
Dựa vào nguyên nhân gà đẻ trứng non ở trên bà con có thể khắc phục bằng các cách tương ứng dưới đây:
1. Bổ sung khẩu phần thức ăn
Khẩu phần thức ăn của gà phải đạt đủ các nhóm chất canxi, photpho, kẽm… Chúng có nhiều trong vỏ sò, vỏ ốc, vỏ trứng xay mịn, đậu tương, bột xương, bột cá… . Bà con có thể xay mịn và trộn theo tỉ lệ hợp lý.
Các nhóm vitamin như vitamin A-D-E, chất khoáng vi lượng, BCOMPLEX (vitamin tổng hợp bổ sung cho thức ăn gia súc)… bằng việc trộn vào thức ăn hoặc nước huống hàng ngày cho gà mái. Nó có tác dụng tăng cường sức khỏe và khả năng hấp thu canxi.
2. Trị bệnh
Khi gà mắc bệnh nên tập trung để điều trị bệnh cho gà trước khi bổ sung dinh dưỡng để gà có thể tiếp tục đẻ tiếp. Lưu ý không nên ép gà sinh sản nếu gà đang bị bệnh. Đối với những con gà bệnh nặng, gà đã quá lứa thì nên thải loại để gây một đàn gà mái đẻ mới.
3. Tăng cường chiếu sáng
Thiết kế chuồng gà thoáng mát, đầy đủ ánh sáng để gà mái có môi trường hoàn hảo để sinh sống. Điều kiện sưởi nắng tốt giúp gà hấp thu nguồn vitamin D tự nhiên rất tốt. Ngoài ánh nắng tự nhiên, các trang trại lớn còn áp dụng chiếu sáng nhân tạo để tăng thời gian chiếu sáng, tăng cường hấp thụ vitamin D cho gà, nhờ đó tăng sản lượng và chất lượng trứng.
>> Mời bà con con tham khảo thêm bài viết: Hướng dẫn những kỹ thuật nuôi gà đẻ siêu trứng
III. Kết luận
Nuôi và chăm sóc gà mái đẻ cần áp dụng các kỹ thuật đa dạng, linh hoạt. Vấn đề gà đẻ trứng non, trứng không có vỏ khá phổ biến, phần lớn là do bà con phụ thuộc quá nhiều vào nguồn thức ăn viên có sẵn.
Nguồn thức ăn này về nguyên lý chúng có đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho gà nhưng bà con vẫn nên phải tự bổ sung thức ăn đầy đủ nhóm chất tự nhiên, đặc biệt là canxi để gà có thể đẻ trứng chất lượng hơn.
Gà đẻ trứng một năm có thể đẻ từ 80-110 quả. Tuy nhiên, hiện nay với công nghệ và kỹ thuật nuôi gà chất lượng thì số lượng trứng có thể lên đến 110 -150 quả mỗi năm. Như vậy bà con có được nguồn thu nhập tương đối ổn định. Ngoài nguồn thức ăn thì nước uống cũng rất quan trọng cho gà đẻ trứng. Nước là thành phần chính trong việc hình thành quả trứng có đạt hiệu quả, chất lượng hay không.
Bà con nên chú ý gà thiếu nước chắc chắn sẽ giảm sản lượng trứng trong thấy rõ ràng. Đặc biệt vào mùa đông nhu cầu nước của gà có thể giảm đi nhưng vẫn cần được cung cấp đầy đủ. Nước nên sử dụng nước sạch, không ô nhiễm để tránh làm gà bị bệnh, bị tiêu chảy cũng không thể đẻ trứng thường xuyên được. Đựng nước trong các vật dụng sạch sẽ, thường xuyên thay nước hàng ngày, tránh để thức ăn thừa, phân gà lẫn vào nước sẽ rất mất vệ sinh.
Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp bà con chăn nuôi gà đẻ hiệu quả!