Kỹ thuật nuôi cá sấu lấy thịt và da. Chi phí đầu tư trang trại nuôi cá sấu


Ở nước ta, mô hình nuôi cá sấu rất phổ biến ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long do môi trường, khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp để xây dựng trang trại nuôi cá sấu, lại là loài dễ nuôi và có giá thành đầu ra ổn định hơn các loài vật nuôi khác. Nếu có ý định đầu tư vào mô hình này, bà con hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây của chúng tôi.

Kỹ thuật nuôi cá sấu lấy thịt và da. Chi phí đầu tư trang trại nuôi cá sấu

Giới thiệu về mô hình nuôi cá sấu

Cá sấu là loài bò sát lớn ưa thích môi trường nước. Ở Việt Nam hiện nay có 3 loài được nuôi là cá sấu nước lợ, cá sấu nước ngọt hay cá sấu Xiêm, và Cuba. Trong đó cá sấu nước lợ có kích thước to nhất (6 – 8m), hung dữ khó thuần hóa, có thể tấn công cả con người. Cá sấu Xiêm nhỏ hơn (3 – 4m), thích hợp để nuôi ở vùng nước ngọt, dễ thuần hóa và nuôi dưỡng. Còn cá sấu Cuba là loại nhỏ nhất (2.5 – 3m), thích hợp với nhiều môi trường nước.

Cá sấu nuôi chủ yếu để lấy da sản xuất các mặt hàng tiêu dùng, ngoài ra còn lấy thịt. Thị trường đầu ra ổn định nhất cho cá sấu chính là thông qua thương lái thu mua để xuất khẩu da, hoặc xuất khẩu nguyên con. Thông thường, cá nuôi khoảng 17 – 18 tháng sẽ đạt trọng lượng 25 – 30kg là có thể xuất chuồng.

Cá sấu có tập tính sống ở dưới nước và cả trên cạn, hoạt động nhiều vào ban đêm. Ban ngày chúng thường nằm phơi nắng trên cạn hoặc đầm mình dưới nước, ban đêm sẽ đi tìm mồi. Cá đẻ trứng, vòng đời dài và phát dục muộn. Trong điều kiện chăn nuôi tốt, cá 4 -5 tuổi là có thể sinh sản, mỗi năm đẻ 1 lứa, mỗi lứa 20 – 30 trứng, tỷ lệ ấp nở là 75 – 85%.

Kỹ thuật nuôi cá sấu lấy thịt và lấy da

Chọn cá sấu giống

Để chọn được những con cá giống chất lượng, bà con nên đến những trang trại chăn nuôi cá sấu quy mô lớn, có chuyên gia tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, đồng thời được cấp phép nuôi cá sấu sinh sản. Vì nuôi cá sấu là mô hình chăn nuôi được kiểm soát rất nghiêm ngặt, nên bà con đừng nên ham rẻ mua cá sấu giống Campuchia hay Thái Lan nhập về không có giấy phép, đồng thời môi trường sống ở Việt Nam không giống với các nước này nên khiến tỉ lệ cá giống chết rất lớn.

Bà con hãy chọn những con cá con trên 1 tháng tuổi, thân dài trên 30cm để đỡ mất công chăm sóc lúc còn nhỏ. Ưu tiên những con nhanh nhẹn, có khả năng tự vệ, thân dài, bụng thon.

Kỹ thuật nuôi cá sấu lấy thịt và da. Chi phí đầu tư trang trại nuôi cá sấu

Chuồng trại nuôi cá sấu

Cá sấu là loài động vật hoang dã rất hung dữ, vì vậy các hộ chăn nuôi theo hình thức trang trại phải tuân thủ yêu cầu nghiêm ngặt về chuồng trại để đảm bảo an toàn cho cộng đồng. Bà con nên chọn địa điểm đặt chuồng trại nuôi ở nơi có nhiều ánh sáng mặt trời chiếu vào nhưng nhiều cây cối cao bao quanh để vẫn đủ bóng râm vào mùa hè và kín gió. Nếu không có cây cối tự nhiên thì bà con hãy tổ chức trồng một hàng rào cây. Chuồng cần gần nguồn cấp nước sạch để bơm vào bể tắm của cá. Nguồn nước này cần đạt tiêu chuẩn tối thiểu, không bị nhiễm bẩn hay nhiễm sắt.

Tổng quan một chuồng nuôi cá sấu đúng chuẩn bao gồm các khu vực như sau: khu vực bể nước cho cá sấu đầm mình, khu vực sân phơi nắng và khu vực cho cá ăn. Ba khu vực này được bao quanh với hàng rào chắc chắn.

Đối với khu vực bể nước, bể này có thể là ao nền đất hoặc bể xi măng. Bể không sâu quá 75cm nhưng không quá nông vì sẽ không chứa đủ nước, có bờ thoai thoải để cá bò lên xuống dễ dàng. Nếu bà con dùng ao đất thì cần xếp bờ kè bằng đá và xi măng, vét bùn thối trong ao và phơi đáy ao định kỳ để tiêu diệt mầm bệnh.

Đối với sân phơi, khu vực này cần được ánh nắng chiếu tới vào buổi sáng và buổi chiều để cá sấu nằm phơi nằng. Sân nên được láng bằng xi măng đảm bảo vệ sinh.

Đối với khu vực cho ăn, bà con xây máng ăn chắc chắn. Máng ăn có kích thước dài và sâu không quá 10cm, láng xi măng nhẵn và dốc thoải nối thông với rãnh thoát nước. Phía trên các máng ăn khoảng 80cm, bà con căng lưới để ngăn chim chóc ăn tranh thức ăn của đàn cá sấu.

Về phần rào chắn, bà con không cần làm rào chắn quá cao gây lãng phí. Rào chắn có thể làm bằng gạch xây móng chìm trong đất rồi xây tường, cuối cùng dùng lưới thép rào kín trên cùng. Móng chôn sâu ngập trong đất khoảng 50cm, đề phòng cá dũi đất ẩm thoát ra ngoài. Bà con không nên dùng gỗ làm rào vì gỗ bị mục rất nhanh.

Mật độ nuôi cá sấu tùy thuộc theo từng lứa tuổi, cá sấu 1 – 3 năm tuổi thì mật độ khoảng 0.6 – 1 con/m2, với cá trưởng thành thì khoảng 0.9 con/ m2. Mật độ tối đa là 3 con/ m2

Thức ăn cho cá sấu

Cá sấu là loài động vật ăn thịt. Thức ăn chủ yếu của cá sấu là các loài động vật nhỏ như ếch, nhái, chim, cá… Trong môi trường nuôi nhốt, bà con có thể cho cá ăn những loại thức ăn tươi có nguồn gốc động vật như thịt, nội tạng gia súc gia cầm giá rẻ chất lượng thấp, các loại cá đồng, cá biển… Lưu ý cá sấu không ăn các loại đạm có nguồn gốc thực vật, các loại thịt phơi khô hay ướp muối.

Bà con nếu có thời gian nên thái nhỏ thức ăn ra thì cả đàn sẽ được ăn đồng đều, con nhỏ không bị con to cướp mất thức ăn. Bà con cho cá ăn khoảng 2 ngày một lần với số lượng nhiều để đỡ mất công cho ăn nhiều lần. Qua 2 ngày nếu thức ăn còn dư thì phải đổ bỏ, không để lại ruồi nhặng bâu vào gây hại cho cá.

Kỹ thuật nuôi cá sấu lấy thịt và da. Chi phí đầu tư trang trại nuôi cá sấu

Phòng bệnh cho cá sấu

Cá sấu nhìn chung là loài động vật có sức đề kháng cao, giai đoạn dễ nhiễm bệnh nhất là khi còn nhỏ. Tuy nhiên, trong quá trình nuôi, bà con nên đầu tư xây thêm một chuồng cách ly để nuôi riêng những con cá yếu. Chuồng này dùng nguồn nước riêng, thức ăn và chế độ chăm sóc đặc biệt. Ngoài ra, bà con cũng cần quan sát khẩu phần ăn của cá sấu, nếu thừa thức ăn bất thường thì có thể do thức ăn không phù hợp, hoặc do thời tiết hoặc chuồng trại bị xáo trộn làm cá hoảng sợ bỏ ăn.

Thời tiết và nhiệt độ có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của cá sấu. Nhiệt độ lý tưởng cho cá phát triển là từ 28 – 32°C. Vào mùa đông, nhiệt độ giảm xuống thấp khiến cá sấu dễ nhiễm lạnh, bà con cần có các biện pháp chống rét cho cá như che chắn chuồng trại tránh gió lùa, cung cấp thêm nhiệt bằng than, bóng đèn điện hoặc củi…Nguồn nước trong ao hoặc bể nuôi cũng phải được thay và tẩy dọn thường xuyên, chất thải do cá tạo ra cần được thu gom và xử lý đúng quy trình.

Chi phí đầu tư trang trại nuôi cá sấu

Mô hình nuôi cá sấu cần đầu tư khá nhiều chi phí về chuồng trại và con giống. Giá cá sấu giống hiện tại dao động từ 250.000 – 300.000 đồng/con với trọng lượng 0.1 – 0.3kg/con. Một đàn cá sấu nuôi lấy da và thịt khoảng 3000 con, thì tổng chi phí khoảng 1.5 tỷ đồng, trong đó vốn xây dựng chiếm 20%, chi phí mua con giống chiếm 40%, chi phí trang thiết bị chiếm & thức ăn 20%, chi phí cho nhân lực và quản lý chiếm 10%, còn lại là chi phí khác. Bà con có thể tham khảo bảng dưới đây. Lưu ý rằng số liệu này dành cho trang trại nuôi cá sấu quy mô 3000 con, và chỉ có tính chất ước lượng tham khảo.

Loại chi phíSố tiền (VNĐ)Số phần trăm
Chi phí xây dựng300.000.00020%
Chi phí con giống600.000.00040%
Chi phí trang thiết bị & thức ăn376.000.00020%
Chi phí nhân lực & quản lý150.000.00010%
Chi phí khác75.000.00010%
Tổng chi phí1.501.000.000100%

 

>> Tham khảo thêm bài viết: Giá thịt và da cá sấu hiện nay. Địa chỉ bán cá sấu giống tốt nhất trên cả nước



Bà con muốn mua hoặc bán cây giống, con giống?

Đăng Bán / Mua

HÃY CHIA SẺ SUY NGHĨ CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT?! (Bình luận của bạn sẽ hiển thị sau khi được quản trị viên phê duyệt)

Please enter your comment!
Please enter your name here