Mô hình & Kỹ thuật chăn nuôi lợn hộ gia đình hiệu quả, năng suất cao


Tại nước ta, ngành chăn nuôi lợn quy mô hộ gia đình vẫn là hình thức phổ biến do chi phí đầu tư thấp, phù hợp với năng lực kinh tế hộ gia đình nông thôn, và nguồn thức ăn được tận dụng từ phụ phẩm sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, vài năm trở lại đây, vì giá cả các sản phẩm chăn nuôi luôn giữ ổn định, nên ngành chăn nuôi mà đặc biệt là nuôi lợn theo mô hình trang trại gia đình đã có sự phát triển nhanh tại các địa phương trên cả nước.

Mô hình & Kỹ thuật chăn nuôi lợn hộ gia đình hiệu quả, năng suất cao

Chăn nuôi phát triển nóng cũng kéo theo hàng loạt hệ lụy trong đó có tình trạng giá cả lên xuống thất thường, phụ thuộc nhiều vào thương lái. Những tháng cuối năm 2016, thị trường chứng kiến sự tuột dốc và cả chạm đáy của giá thịt lợn hơi trên cả nước, khiến nhiều hộ chăn nuôi lao đao. Vì vậy, bà con cần thay đổi tư duy, đầu tư phát triển mô hình để việc chăn nuôi ổn định, bền vững, hướng tới những sản phẩm sạch và an toàn. Dưới đây chúng tôi sẽ giới thiệu một mô hình chăn nuôi lợn hiệu quả cho năng suất cao mời bà con tham khảo.

Cách chọn lợn giống

Lợn giống có nhiều loại, mỗi giống lợn đều có các đặc trưng riêng về vóc dáng, sắc lông, hình dáng mõm và tai. Chẳng hạn như giống Landrace sắc lông màu trắng, thân mỏng cổ dài, vai hẹp, tai cụp che cả mắt, hoặc như giống Yorkshire Large White cũng sắc lông màu trắng nhưng vóc dáng cao to, đòn dài, tai đứng, mõm cong…

Đối với mô hình chăn nuôi lợn cho năng suất cao, miễn nhiễm với dịch bênh, bắt đầu từ khâu chọn giống bà con đã phải thật tỉ mỉ. Muốn có lợn giống tốt để nuôi, bà con cần cố công chọn những con giống chất lượng. Tuy có nhiều giống lợn, nhưng tiêu chuẩn để chọn ra con giống tốt hầu hết đều giống nhau.

  • Đối với lợn nuôi thịt, cần chọn những con mình dài cân đối, bụng thon lưng thẳng, mông và vai nở, chân thẳng và chắc chắn, da dẻ hồng hào, lông thưa óng mượt, mắt tinh nhanh, đi lại hoạt bát, phàm ăn. Đối với lợn đẻ nái, ngoài ngoại hình ra cần phải xem kỹ vú và bộ phận sinh dục. Không chọn những con còi cọc có khuyết tật như khèo chân, úng rốn, có tật ở miệng, mũi.
  • Chọn lợn giống nên tìm hiểu ký lý lịch của lợn mẹ, không nên chọn lợn con làm giống từ lợn mẹ quá tơ (đẻ lứa đầu tiên) hoặc quá già (đẻ quá nhiều lứa). Chọn lợn con có tính hiền, nết ăn ở tốt, không hung dữ với đồng loại.
  • Chọn đàn lợn đã được tiêm phòng đầy đủ các loại bệnh dịch tả, tụ dấu, phó thương hàn và lở mồm long móng.
  • Chọn lợn giống, tốt nhất là chọn từ bầy lợn con nhà mình. Nếu không thì nên mua giống từ các trại chăn nuôi có uy tín lâu năm. Tuyệt đối không nên mua con giống bán ở chợ, không nên mua nhiều loại giống từ nhiều nơi cho cùng một lứa.

Mô hình & Kỹ thuật chăn nuôi lợn hộ gia đình hiệu quả, năng suất cao

Xây dựng chuồng trại

Về chuồng trại chăn nuôi, dựa trên cơ cấu của đàn lợn, đặc điểm sinh lý của từng loại lợn cũng như chu kỳ nuôi ngắn hạn hay dài hạn mà bà con xác định quy mô xây dựng chuồng trại hợp lý để thuận tiện cho việc chăm sóc và đảm bảo vệ sinh phòng dịch. Một số lưu ý trong việc quy hoạch chuồng trại như sau:

  • Chuồng nuôi phải kiên cố, cao ráo, thoáng mát, không ngập úng, có mặt nền nên nghiêng 3% để thuận lợi cho thoát nước. Nếu chuồng gần sông ngòi thì phải cao hơn mức nước dâng cao nhất ít nhất 0.5m.
  • Chuồng mát về mùa hè, ấm về mùa đông, không bị gió lùa và ánh nắng chiếu trực tiếp vào nền chuồng nhưng vẫn lưu thông không khí. Nên sử dụng các vật liệu cách nhiệt để làm mái lợp chuồng.
  • Chuồng nên bố trí xa khu dân cư, nhưng vẫn đảm bảo nguồn cung cấp điện và nước cho chuồng. Nên xây chuồng thuận tiện cho giao thông nhằm mục đích vận chuyển con giống, thức ăn, vật tư và sản phẩm.
  • Cần tính toán hiệu quả kinh tế khi thiết kế chuồng trại. Diện tích chuồng đảm bảo nhu cầu chăn nuôi nhưng tiết kiệm được nguyên vật liệu và sức lao động. Có thể tận dụng các loại vật tư sẵn có ở địa phương để giảm chi phí xây dựng.

Tiêu chuẩn về thức ăn

Trước đây, các hộ chăn nuôi lợn thường dùng thức ăn công nghiệp. Tuy nhiên do chất lượng thịt sản xuất ra không đảm bảo, thịt không thơm, nếu lợn xuất chuồng muộn lại dẫn đến thua lỗ, các hộ này đã chuyển sang nuôi bằng phương pháp truyền thống. Nghĩa là tận dụng thức ăn dư thừa, phụ phẩm nông nghiệp chế biến thành thức ăn cho lợn. Các loại nguyên liệu dùng chế biến thành thức ăn cho lợn như: cám gạo, ngô, đậu tương, bỗng rượu, rau bèo, dọc khoai, cá lợn… Thịt lợn được chăm sóc bằng hình thức này có chất lượng thơm ngon hơn, rất được lòng những khách hàng tiêu dùng thực phẩm sạch, giá cả cũng phải chăng do tận dụng được phụ phẩm. Bà con có thể tự chế biến thức ăn bằng máy chế biến, sẽ giảm được 60-70% chi phí chăn nuôi, lại có thể nuôi dài 7-8 tháng mà không lo thua lỗ.

Ngoài ra bà con cũng cần chú ý một số điều như sau:

  • Các loại thực phẩm thô xanh luôn phải được rửa sạch trước khi chế biến, không sử dụng thức ăn bị ôi thiu, mốc, không rõ nguồn gốc hoặc quá hạn sử dụng.
  • Nước uống cho lợn cũng phải là nước sạch, không phải là nước đục, nước ao hồ tù đọng hoặc nước giếng có hàm lượng sắt cao.
  • Nên cho lợn ăn đúng tiêu chuẩn và khẩu phần, đảm bảo con nào cũng được ăn khẩu phần của nó. Tiêu chuẩn ăn phải thay đồi phù hợp với sinh lý và sự phát triển của đàn lợn.
  • Nên cho lợn ăn thức ăn tinh trước, thức ăn thô sau, cho lợn ăn từng đợt tránh vung vãi thức ăn ra nền chuồng. Bà con nên tập cho lợn ăn đúng giờ giấc để nâng cao khả năng tiêu hóa

Mô hình & Kỹ thuật chăn nuôi lợn hộ gia đình hiệu quả, năng suất cao

Phòng bệnh cho đàn lợn

Yếu tố phòng bệnh cho đàn lợn là rất quan trọng để đảm bảo sản phẩm đầu ra có chất lượng. Có rất nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của đàn lợn, ví dụ như:

  • Nhiệt độ thay đổi đột ngột, thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh.
  • Môi trường sống của đàn lợn bị thay đổi, hoặc do vận chuyển lợn giống đường dài
  • Chuồng nuôi của lợn quá chật hoặc nhốt chung với các gia súc khác
  • Lợn có thay đổi về sinh lý theo giai đoạn phát triển của cơ thể
  • Thức ăn của lợn không đảm bảo chất lượng hoặc số lượng
  • Nước uống của lợn không hợp vệ sinh
  • Có ký sinh trùng sống ký sinh bên trong (giun, sán) hoặc bên ngoài (ruồi, ve, ghẻ), virus có hại xâm nhập vào cơ thể lợn

Một số khuyến cáo mà bà con có thể thực hiện để phòng tránh dịch bệnh cho đàn lợn như sau:

  • Đối với lợn giống trước khi đem về nuôi cần tiêm phòng lúc 8-12 tuần tuổi với các loại vắc-xin thông thường. Một số bệnh như Phó thương hàn cần tiêm nhắc lại. Bà con cũng nên tẩy giun cho lợn trước khi được vào nuôi.
  • Khi bà con có phát hiện trong đàn lợn có con bị ốm, cần lập tức cách ly để theo dõi. Nếu lợn chết, cần đưa lợn ra khỏi chuồng nuôi và thông báo với cán bộ thú y địa phương để có biện pháp xử lý.
  • Tuyệt đối bà con không thả rông lợn, không bán chạy lợn ốm, không mổ lợn ốm gần khu vực chăn nuôi và không cho lợn hoặc gia súc khác ăn phụ phẩm của lợn bị bệnh. Đồng thời bà con hạn chế đi lại hoặc vận chuyển các vật dụng, dụng cụ chưa được tẩy uế sát trùng từ khu vực có lợn ốm đến khu vực lợn khỏe. Hạn chế người và vật lạ vào khu vực chăn nuôi để tránh mầm bệnh từ khu vực khác đến.
  • Chuồng trại cần thường xuyên được quét dọn, tẩy uế, khử trùng. Bà con lưu ý thu gom phân, rác và chất thải trong chuồng đưa ra chỗ tập trung riêng để giữ chuồng luôn sạch sẽ.
  • Máng ăn, máng uống, dụng cụ chăn nuôi nên phơi dưới ánh mặt trời hoặc dùng nước sôi để khử trùng. Bà con có thể phòng bệnh cho đàn lợn bằng các biện pháp vệ sinh, phun hóa chất sát trùng, rắc vôi bột xung quanh chuồng định kỳ. Bà con cũng nên tham gia mạng lưới thú y cộng đồng để nhận được tư vấn từ các cán bộ thú y.


Bà con muốn mua hoặc bán cây giống, con giống?

Đăng Bán / Mua

HÃY CHIA SẺ SUY NGHĨ CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT?! (Bình luận của bạn sẽ hiển thị sau khi được quản trị viên phê duyệt)

Please enter your comment!
Please enter your name here