Kỹ thuật nuôi ong mật: Chọn ong giống, Làm thùng nuôi ong, Thức ăn cho ong mật


Khi mật ong tự nhiên không còn đủ để cung cấp nhu cầu của người tiêu dùng, những mô hình nuôi ong lấy mật xuất hiện càng ngày càng phổ biến. Đây là ngành chăn nuôi không mới nhưng vẫn rất thu hút nhiều hộ gia đình đầu tư, do mật ong là mặt hàng có giá trị kinh tế cao, vốn đầu tư ban đầu không quá lớn và không đòi hỏi nhiều nhân lực. Để có được mật ong thành phẩm chất lượng và năng suất cao, bà con hãy tham khảo kỹ thuật nuôi ong mật chi tiết, bao gồm cach chọn ong giống, cách làm thùng nuôi ong và vị trí đặt thùng, thức ăn cho ong mật và cách phòng bệnh trên đàn ong được chúng tôi giới thiệu dưới đây.

Kỹ thuật nuôi ong mật: Cách làm thùng nuôi ong, Thức ăn cho ong mật,...

Giới Thiệu Về Mô Hình Nuôi Ong Mật

Muốn nuôi thành công ong mật, bà con nên tìm hiểu về thành phần một đàn ong, tập tính làm việc và sinh sản của chúng. Tương tự như loài kiến, một tổ ong bao gồm ong chúa, ong thợ, ong đực và ấu trùng ong. Trong đó:

– Ong chúa là con cái có khả năng sinh sản duy nhất trong đàn. Ong chúa sẽ đẻ ra trứng, trứng nở thành ấu trùng ong. Ong chúa có tuổi thọ kéo dài khoảng 3 – 5 năm. Một tổ ong chỉ có 1 ong chúa. Nếu ong chúa khác được sinh ra, trong tổ sẽ tách thành tổ mới.

– Ấu trùng ong lớn lên có thể trở thành ong chúa, ong thợ hoặc ong đực. Ấu trùng ong chúa có thời gian nở nhanh nhất, được nuôi hoàn toàn bằng sữa ong chúa. Ấu trùng ong thợ nở lâu hơn, đến ấu trùng ong đực nở lâu nhất, đều được nuôi bằng sữa sau đó là hỗn hợp phấn hoa và mật ong.

– Ong thợ cũng là ong cái nhưng không sinh sản được do có buồng trứng không phát triển, ong thợ có nhiệm vụ nuôi dưỡng các ấu trùng ong. Ong thợ là thành phần chủ lực làm việc chính trong đàn ong, chúng được phân công công việc theo độ tuổi: những con ong thợ mới sinh ở lại tổ để bảo vệ tổ, ong thợ còn nhỏ có nhiệm vụ ăn mật và phấn hoa để tạo ra sữa nuôi ấu trùng ong và ong chúa. Ong thợ lớn hơn làm nhiệm vụ xây tổ và tập bay. Ong thợ trưởng thành (>20 ngày tuổi) sẽ bay xa lấy mật và phấn hoa. Ong thợ sống khoảng 2 – 6 tháng

– Ong đực là những con ong sinh ra để giao phối với ong chúa và chết đi sau khi giao phối xong do bị đuổi ra khỏi tổ. Số lượng ong đực rất ít, khoảng vài con đến vài trăm con, ong đực chỉ xuất hiện vào mùa hè, tuổi thọ 1 – 2 tháng.

Một đàn ong cơ bản phải có đầy đủ ong chúa, các thế hệ ong thợ, trứng và ấu trùng. Tỉ lệ cân đối của một đàn ong chất lượng theo số lượng trứng: ấu trùng: nhộng là 1: 2: 4. Nếu tỉ lệ này bị lệch đi thì đàn ong sẽ sinh sản để trở lại cân bằng.

Kỹ thuật nuôi ong mật: Cách làm thùng nuôi ong, Thức ăn cho ong mật,...

Chọn Ong Mật Giống

Con giống là yếu tố quyết đinh để mô hình nuôi ong lấy mật cho hiệu quả cao. Có 2 giống ong phổ biến hiện nay: ong mật và ong Ý. Hầu như tiêu chuẩn chọn con giống đều tương tự nhau với các loại ong:

– Chọn những đàn ong cho sản lượng mật cao, nếu bà con muốn thu hoạch các sản phẩm khác như sữa ong chúa, sáp ong thì có thể lựa chọn đàn ong theo cả những tiêu chí này.

– Bà con ưu tiên những đàn ong ít chia đàn tự nhiên, số lượng cầu ong nhiều, tốc độ tăng trưởng đàn nhanh. Lựa chọn đàn ong sức khỏe tốt, nhanh nhẹn, tính tình hiền lành không ăn cướp mật. Khi kiểm tra đàn ong không chạy toán loạn, bánh tổ nhộng không bị lỗ chỗ.

– Bà con xem xét ong chúa để chọn những con dáng đi uyển chuyển, đẻ khỏe, đầu thon đít nhọn, có màu mận chín. Ong thợ không bị xoăn cánh, không còi cọc, khi kiểm tra không chạy lung tung xuống đáy thùng.

>> Tham khảo thêm bài viết: Giá mật ong nuôi và Ong mật giống. Địa chỉ mua ong mật giống uy tín trên toàn quốc

Kỹ thuật nuôi ong mật: Cách làm thùng nuôi ong, Thức ăn cho ong mật,...

Cách Làm Thùng và Chọn Vị Trí Đặt Thùng Nuôi Ong Mật 

Các hộ nuôi ong vẫn thường đặt trại ong trong các khu vực có nhiều hoa cho ong lấy mật thuận tiện, và cũng gần nguồn nước để ong dễ lấy nước. Bà con hãy chọn vị trí trung tâm của vườn hoa để ong đi về theo con đường gần nhất. Thông thường quãng đường ong đi kiếm mật có thể xa khoảng 2 – 3km, nhưng nếu gần hơn sẽ tiết kiệm được công sức của ong. Nếu có nhiều tổ ong thì nên để các tổ cách xa nhau ít nhất 3 – 4m, khoảng cách tốt nhất là 2 – 3km.

Ong thường được nuôi trong các thùng nuôi ong làm bằng gỗ hoặc gần đây có cả thùng bằng nhựa. Các thùng này được sơn màu khác nhau bắt mắt để ong dễ ghi nhớ tổ của mình. Thùng ong phải được đặt cố định tránh ong bị lạc đường khi đi hút mật ở xa. Thùng đặt thẳng đứng nhằm giúp ong xây lỗ tổ không bị nghiêng. Cửa tổ ong nên hướng về phía Đông hoặc Đông Nam để tránh ánh nắng và tránh rét. Thùng ong đặt cách mặt đất khoảng 30cm, thường được đặt trên giá gỗ hoặc kê gạch, đá. Mỗi thùng đặt 7 – 10 cầu ong là hợp lý.

Ngoài thùng ong, trong trại ong còn phải trang bị thêm thùng quay mật dùng để khai thác mật ong sản xuất được. Thùng quay mật được làm bằng tôn hoặc nhôm, khung quay đặt được 2 – 3 cầu ong. Khi quay thùng mật ong sẽ văng ra và chảy xuống đáy thùng rồi theo lối chảy ra ngoài nơi hứng sẵn chai đựng mật. Nếu bà con nuôi ong với quy mô lớn trên 100 đàn thì có thể tự trang bị thùng quay mật, nếu quy mô nhỏ hơn thì bà con nên dùng chung thùng quay với các hộ chăn nuôi khác, vì giá của một thùng quay khá cao.

Kỹ thuật nuôi ong mật: Cách làm thùng nuôi ong, Thức ăn cho ong mật,...

Thức Ăn Cho Ong Mật

Thức ăn chính của ong là mật và phấn hoa trong tự nhiên. Thông thường ong sẽ tự bay ra khỏi tổ hút phấn hoa và mật đem về. Tuy nhiên vào những mùa không có hoa nở hoặc vào mùa mưa ong không bay ra khỏi tổ được, bà con cần cho ong ăn siro đường để bổ sung mật nuôi đàn ong. Bà con pha chế siro đường theo tỉ lệ 1kg đường : 0.8kg nước, bỏ vào máng để trên xà cầu vào chiều tối, ong sẽ tự biết bò lên ăn.

Có nhiều cách để nhận biết phấn và mật trong tổ có đủ cho ong ăn không. Bà con quan sát cầu phấn vào sáng sớm, nếu còn nhiều là phấn còn đủ cho ong ăn. Nếu thiếu là đã hết phấn hoa, còn nếu ong chứa phấn lung tung ở cầu phấn khác nghĩa là thừa phấn, bà con nên cất bớt phấn để dự trữ. Về cầu mật, ong thường chứa mật trong các cầu có riềm mật, nếu riềm mật bị ong ăn hụt đi nghĩa là ong thiếu mật, bà con cần cho ong ăn thêm siro đường, nếu cầu mật phù lên nghĩa là ong đã có nhiều mật, bà con giảm bớt lượng siro đường lại.

Trong mùa hoa nở rộ, nguồn phấn dồi dào ong lấy mật không xuể, bà con có thể khai thác phấn hoa để dự trữ vào mùa mưa. Bà con để một tấm lưới có đường kính mắt lưới khoảng 5 -7mm chặn trước cửa tổ ong kèm với một máng để hứng phấn, ong đi lấy phấn về chui qua lưới sẽ để rơi một phần phấn hoa. Bà con gom số phấn này lại, đem đi phơi nắng, sấy khô hoặc ủ với đường để bảo quản.

Kỹ thuật nuôi ong mật: Cách làm thùng nuôi ong, Thức ăn cho ong mật,...

Phòng Bệnh Cho Ong Mật

Tổ ong nếu không có dịch bệnh đặc biệt thì sẽ sinh trưởng bình thường. Tuy nhiên đàn ong thường gặp phải vấn đề thối ấu trùng khiến số lượng ong mới sinh ra giảm đi, đàn ong bị giảm về cả số lượng và chất lượng. Thối ấu trùng có 2 nguyên nhân chính, do thức ăn và do vi khuẩn.

Nếu bà con cho ong ăn loại đường kém chất lượng hoặc phấn nhân tạo có chất làm thối ấu trùng, ấu trùng thay vì nở ra thành con nhộng, sẽ bị xẹp xuống và thối nhũn. Nguyên nhân này khắc phục khá dễ dàng, chỉ cần thay thế nguồn thức ăn chất lượng hơn.

Còn nếu ấu trùng bị thối do vi khuẩn, ấu trùng sẽ bị thối nhũn và đàn ong tự gắp bỏ đi ấu trùng bị hỏng. Trong trường hợp bệnh này, bà con cần cách ly đàn ong mật bị bệnh ra khỏi trại ong. Bà con có thể dùng kháng sinh để trị bệnh cho ong mật, tuy nhiên cách này sẽ khiến mật ong khai thác không thể sử dụng được. Hoặc bà con làm cách cầu kỳ nhưng hiệu quả hơn, chính là nhốt riêng ong mật chúa đến khi trong đàn không còn trứng, ấu trùng hay nhộng ong mật. Sau đó thả ong chúa ra và bỏ bớt cầu đi. Đàn ong mật mạnh sẽ tự vượt qua được dịch bệnh.



Bà con muốn mua hoặc bán cây giống, con giống?

Đăng Bán / Mua

HÃY CHIA SẺ SUY NGHĨ CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT?! (Bình luận của bạn sẽ hiển thị sau khi được quản trị viên phê duyệt)

Please enter your comment!
Please enter your name here