Kỹ thuật chăn nuôi heo nái. Nhận biết heo sắp đẻ. Cho heo ăn gì để có nhiều sữa?…


Lợn nái sinh sản cần được chăm sóc theo quy trình rất cẩn thận, bởi lẽ chúng cần được hỗ trợ đặc biệt trong quá trình sinh nở, cũng như nghỉ ngơi và bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng để nuôi lợn con sơ sinh. Xin mời bà con theo dõi bài viết dưới đây để nắm rõ những thông tin về kỹ thuật chăm sóc lợn nái sinh sản nhằm thu được hiệu quả cao nhất.

Kỹ thuật chăn nuôi heo nái. Nhận biết heo sắp đẻ. Thức ăn cho heo nái nhiều sữa

Kỹ thuật chăm sóc lợn nái trong khi đẻ

Chăm sóc lợn nái sắp đẻ

Để cho nái thư giãn trước khi đẻ, bà con cần chuẩn bị sẵn chuồng trại cho nái và cả chuồng sau khi sinh cho nái với lợn con. Chuồng cần yên tĩnh, thoáng mát, tránh người lạ hay động vật khác xuất hiện làm nái căng thằng hoảng sợ không đẻ được. Trong chuồng giữ nhiệt độ mát mẻ thông thoáng, nếu nóng bức hầm bí sẽ khiến nái bức bối, mệt mỏi khiến lười rặn đẻ.

Trước khi nái đẻ bà con cần vệ sinh sạch sẽ bộ phận sinh dục của nái để loại bỏ phân hoặc chất bẩn tránh nhiễm trùng âm đạo. Bà con cũng nên cạo sạch lông đuôi của nái để tránh nái vẩy đuôi khiến chất nhầy tiết ra trong khi rặn đẻ văng bẩn chuồng.

Nhận biết lợn nái sắp đẻ

Lợn sắp sinh sẽ có biểu hiện như: ăn ít hay bỏ ăn, thân nhiệt tăng, đi lại nhiều, tiểu mót, đi phân lắt nhắt nhiều chỗ, hay ủi phá nền chuồng, cắn song chuồng hay máng ăn và có tiếng kêu rền của lợn nái sắp đẻ.

Đặc biệt, khi sắp đến giờ đẻ, bà con có thể quan sát bộ vú của nái để biết thời gian chính xác nái sẽ đẻ. Nếu đầu vú chưa tiết sữa non thì nái chưa đẻ trong 4 – 6 tiếng tới, nếu vú có sữa non nhưng chỉ rịn ra không nhiều thì nái đẻ trong 6 tiếng tới, nếu sữa non tiết ra thành tia dài thì nái sẽ sinh trong vòng 2 tiếng nữa. Trong vòng 2 tiếng này, bà con tiếp tục quan sát bộ phân sinh dục của lợn nái, nếu bộ phân sinh dục có nước nhờn màu hồng và những hạt lợn cợn thải ra, nái sẽ đẻ trong vòng 30 phút tới. Đến khi nái thở đứt quãng, nằm nghiêng ép bụng ép đùi thì đã đến lúc nái rặn đẻ.

Chu trình đẻ của lợn nái

Từ lúc bắt đầu rặn, cứ 15 – 20 phút nái sẽ đẻ được 1 lợn con, để hết được số con trong bụng nái phải rặn trong 3 – 4 tiếng. Nhau thai sẽ được rặn ra sau cùng. Số nhau thai thải ra sau cùng sẽ bằng số lợn con. Có trường hợp nái không đẻ từng con mà đẻ liên tiếp. Nếu nái ít rặn, chậm đẻ thì có nguy cơ thai quá lớn hoặc thai chết lưu trong bụng.

Bà con có thể phát hiện thai sót hay thai chết trong bụng nái bằng cách quan sát đuôi lợn nái: nếu đuôi buông thõng thì nái đã đẻ hết con, nếu đuôi cong và nái vẫn ép bụng ép đùi thì vẫn còn thai trong bụng. Trường hợp này bà con cần hỗ trợ đỡ đẻ cho nái để nhanh chóng lấy thai ra, nếu không sẽ gây chết các thai còn trong bụng.

Kỹ thuật chăn nuôi heo nái. Nhận biết heo sắp đẻ. Thức ăn cho heo nái nhiều sữa

Kỹ thuật nuôi lợn nái sau khi đẻ

Chăm sóc lợn nái ngay sau đẻ

Sau khi lợn nái đẻ hết thai, bà con làm vệ sinh chuồng trại kỹ lưỡng, cho nái nằm nơi thoáng mát, không quá nóng hay quá lạnh và tránh gió lùa mưa tạt. Trước khi cho lợn con bú mẹ lần đầu tiên trong vòng 24h sau khi ra đời, bà con cần vệ sinh kỹ các vú của nái để làm sạch chất bẩn hoặc phân bịt mất lỗ tia sữa, rồi nặn thử vài tia sữa đầu. Bà con dùng thuốc sát trùng lâu nhẹ nhàng núm vú rồi mới cho lợn con bú sữa mẹ.

Bà con cũng cần theo dõi nhiệt độ cơ thể lợn nái. Thân nhiệt nái khoảng 390C là bình thường. Nếu nái sốt trên 400C thì bà con phải thận trọng vì có thể nái đã bị hội chứng MMA nhiễm trùng sau đẻ, cần được điều trị kịp thời. Nếu nái vừa sốt mà bầu vú đau căng nhưng không viêm đỏ, nghĩa là nái bị sốt sữa, cần được truyền dịch vào tĩnh mạch. Bà con liên hệ ngay lập tức với cán bộ thú y để chữa trị cho nái, không nên tự ý dùng thuốc không kê đơn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sữa cho lợn con bú.

Một đặc điểm khác cũng cần được lưu tâm là tình trạng dịch hậu sản bài xuất ở bộ phân sinh dục của nái sau khi đẻ. Dịch hậu sản của nái đẻ bình thường có màu trong hoặc hơi hồng, tiết ra ít. Nếu dịch hậu sản tiết ra nhiều, đặc, có mùi hôi, có màu bất thường như trắng đục, vàng, xanh nhạt, đỏ hồng… thì nguy cơ nái bị nhiễm trùng là rất cao. Cách điều trị cơ bản là thụt rửa bằng thuốc tím hoặc thuốc sát trùng, kết hợp với việc tiêm kháng sinh. Tuy nhiên, chúng tôi muốn khuyến cáo một lần nữa, bà con hãy tham khảo tư vấn của cán bộ thú ý, trước khi điều trị cho nái bằng bất kỳ hình thức nào để tránh rủi ro.

Kỹ thuật chăn nuôi heo nái. Nhận biết heo sắp đẻ. Thức ăn cho heo nái nhiều sữa

Thức ăn cho lợn nái sau khi đẻ

Lợn nái sau khi đẻ xong thường ăn ít hoặc bỏ ăn do mệt mỏi, chúng hầu hết chỉ uống nước. Thay vì dùng nước sạch thông thường, bà con nên cho nái uống nước cháo chứa tinh bột gạo, bắp hay pha loãng cám nhằm cung cấp chất dinh dưỡng cho lợn. Đến khi lợn nái hồi sức và ăn uống bình thường trở lại, bà con cần định lượng khẩu phần ăn hàng ngày của lợn nái tùy theo sức bú của lợn con. Thông thường lượng thức ăn trung bình cho một con lợn nái đang cho con bú khoảng 4.5kg/ngày. Nếu lợn nái mập, số lượng lợn con ít thì nên giảm khẩu phần ăn của nái để tránh dư thừa sữa. Nếu lợn nái gầy nuôi nhiều lợn con thì phải tăng khẩu phần ăn để nái tiết ra nhiều sữa hơn.

Thức ăn của lợn nái phải bảo đảm các thành phần canxi, photpho, chất béo vì nái cần những dưỡng chất này để sản xuất sữa, sự thiếu hụt các chất này khiến nái gầy còm, chân yếu bại liệt và xương giòn dễ gãy. Ngoài ra nái cũng cần được bổ sung chất sắt và iot để lợn con đủ sắt và sữa tiết ra đều hơn, cũng như chất xơ để tránh táo bón. Tuyệt đối không cho nái ăn thức ăn hư mốc, vón cục.

Kiểm tra khả năng tiết sữa của lợn nái

Để biết lợn nái có đủ sữa cho con bú hay không, bà con có thể dựa vào thời gian nái cho con bú. Sau khi nái kêu ụt ịt gọi lợn con đến, nái sẽ nằm yên cho lợn con bú sữa, đến khi hết sữa hoặc lợn con đã no chúng sẽ bỏ vú ra. Nếu thời gian bú kéo dài nghĩa là nái có nhiều sữa, ngược lại nghĩa là nái ít sữa.

Hoặc bà con có thể dùng công thức tính lượng sữa của lợn nái dựa vào trọng lượng của lợn con. Thông thường để lợn con tăng lên 1kg thì cần hấp thụ 3kg sữa. Vậy nên bà con có thể cân lợn con tại một thời điểm, ví dụ 7 hoặc 21 ngày tuổi, rồi so sánh với trọng lượng của lợn lúc sinh ra để xem mức độ tăng trọng có bình thường không. Nếu tăng trọng thấp nghĩa là lợn nái ít sữa và ngược lại.

Kỹ thuật chăn nuôi heo nái. Nhận biết heo sắp đẻ. Thức ăn cho heo nái nhiều sữa

Ngoài chế độ ăn uống, một số yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến khả năng tiết sữa của lợn nái, ví dụ như giống lợn: giống lợn Duroc tiết sữa rất kém, giống Landrace tiết nhiều sữa nếu được ăn đủ dinh dưỡng; số lứa nái đã đẻ: nái đẻ những lứa đầu tiên sẽ tiết sữa kém, lượng sữa tăng dần vào lứa thứ 3, 4 rồi lại giảm đi vào những lứa sau; thời gian đẻ: nái đẻ mùa đông tiết sữa tốt hơn mùa hè; số con nuôi: nái nuôi ít con thì tiết sữa ít hơn nái nuôi nhiều con, nhưng nái nuôi quá đông con thì cơ thể suy nhược cũng lại tiết ít sữa…



Bà con muốn mua hoặc bán cây giống, con giống?

Đăng Bán / Mua

1 COMMENT

HÃY CHIA SẺ SUY NGHĨ CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT?! (Bình luận của bạn sẽ hiển thị sau khi được quản trị viên phê duyệt)

Please enter your comment!
Please enter your name here