Kỹ thuật nuôi đà điểu thịt: chuồng nuôi, thức ăn, phòng bệnh,…


Đà điểu là giống chim hoang dã được thuần hóa thành vật nuôi, có khả năng thích nghi với nhiều loại khí hậu: nóng, lạnh, khô, ẩm cũng như nhiều loại địa hình: vườn đồi, trang trại, đồng cỏ, vùng cát. Đà điểu là con vật mang lợi ích kinh tế rất cao, từ thịt, trứng, da tới lông đều có thể mang về nguồn thu nhập cho bà con. Bài viết dưới đây, Triệu Phú Nông Dân sẽ giới thiệu tới bà con kỹ thuật nuôi đà điểu chi tiết, bao gồm cách chọn đà điểu giống, làm chuồng nuôi, thức ăn, phòng bệnh cho đàn đà điểu,…

Kỹ thuật nuôi đà điểu thịt. Chuồng nuôi đà điểu. Thức ăn cho đà điểu

Giá trị kinh tế của đà điểu

Đà điểu là vật nuôi có giá trị kinh tế rất cao, có thể đem về thu nhập cho bà con từ mọi bộ phận cơ thể.

Thịt đà điểu được bán với giá 170.000 – 200.000 đồng/kg thường được dùng chế biến thành các món ăn đặc sản trong nhà hàng, khách sạn; trứng đà điểu có giá 50.000 – 150.000 đồng/trứng; bộ da đà điểu có giá 1 – 1.5 triệu đồng dùng may túi xách, ví da, dây lưng; lông đà điểu được dùng làm gối, quần áo may mặc, chăn cao cấp xuất khẩu có giá trị lên tới hàng trăm USD, vỏ trứng làm đồ mỹ nghệ sơn mài được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng.

Ở Việt Nam hiện nay cũng có rất nhiều gia đình lựa chọn nuôi đà điểu để cải thiện kinh tế. Tuy kỹ thuật nuôi đà điểu mang lại lợi nhuận cao không đơn giản, nhưng nếu người nuôi thực sự có hứng thú thì tỷ lệ làm giàu thành công từ con vật này không phải nhỏ. Dưới đây chúng tôi xin giới thiệu các bước hướng dẫn cơ bản cho bà con tham khảo.

I. Cách chọn đà điểu giống

Bà con khi chọn giống đà điểu để nuôi, tốt nhất nên tìm mua ở các trung tâm nhân giống và ấp trứng đà điểu có uy tín chất lượng. Tiêu chuẩn khi chọn con giống chính là chọn những con đà điểu có dáng đứng ngay thẳng, thân hình cân đối, cổ không cong, màu lông đen tuyền, di chuyển hoạt bát nhanh nhẹn. Được như vậy thì đà điểu con sẽ khỏe mạnh, nhanh lớn. Nếu bà con chỉ có nhu cầu nuôi đà điểu thịt thương phẩm thì chỉ chọn những con đực.

Khi chọn mua được con giống thành công, do đà điểu con hệ miễn dịch còn yếu nên cần được chăm sóc chế độ riêng, không giống như đà điểu trưởng thành. Chúng tôi sẽ giới thiệu về kỹ thuật chăm sóc đà điểu trong cả hai giai đoạn dưới đây.

>> Mời bà con tham khảo thêm bài viết: Giá đà điểu giống và trang trại bán đàn điểu giống trên cả nước

II. Hướng dẫn cách úm đà điểu con

1. Điều kiện chuồng nuôi

Chuồng úm đà điểu nên có diện tích khoảng 10 – 15m2/chuồng kèm theo sân chơi. Chuồng nên xây theo hướng đông nam để tránh nóng vào mùa hè, tránh lạnh vào mùa đông, bên trên chuồng được che chắn kỹ tránh mưa tạt nắng hắt. Nền chuồng lót cát bên dưới cho cứng vững, rồi rải thảm lót bên trên che cát lại tránh đà điểu con ăn nhầm cát sẽ bị tắc ruột. Bà con lưu ý không nên trải nền chuồng bằng rơm, trấu hay bìa carton vì những vật liệu này làm cản trở việc đi lại của đà điểu con, lại có thể khiến chúng nhầm là thức ăn.

Do là loài động vật sống trên sa mạc có nhiệt độ cao, nên khi nuôi bà con lưu ý thắp bóng đèn trong chuồng úm để sửa ấm cho đà điểu. Với đà điểu từ 0 – 2 tuần tuổi, nhiệt độ trong chuồng khoảng 30 – 330C. Ngoài ra nếu trong chuồng úm không thông thoáng gió thì bà con hãy lắp thêm quạt thông gió để tránh tụ khí. Ban đêm duy trì ánh sáng với cường độ 3W/m2 để chúng dễ dàng ăn uống. Đối với sân chơi, bà con rải cát dưới nền hoặc làm nền đất thịt bằng phẳng, khô ráo thoáng mát để đà điểu con chạy nhảy.

Đà điểu con khoảng 20 ngày tuổi là có thể ra sân chơi để vận động và tắm nắng vào những ngày thời tiết tốt. Thời gian tắm nắng tốt nhất vào khoảng 8 – 10h sáng và 16 – 18h chiều, tránh cho đà điểu con tắm nắng vào giữa trưa sẽ khiến chúng bị say nắng. Từ 1 tháng tuổi, bà con có thể luyện cho chúng làm quen với điều kiện ngoại cảnh, thả tự do trong sân chơi nhưng khi thời tiết xấu phải đem vào chuồng ngay.

2. Mật độ, diện tích chuồng nuôi đà điểu

Với chuồng úm khoảng 10 – 15m2 bà con thả khoảng 25 – 30 con đà điểu con. Quy mô đàn nếu quá dầy sẽ khiến đà điểu con không thể đi lại chạy nhảy thoải mái, nếu quá thưa sẽ làm đà điểu con lười ăn và lãng phí không gian.

Kỹ thuật nuôi đà điểu thịt. Chuồng nuôi đà điểu. Thức ăn cho đà điểu

III. Hướng dẫn nuôi đà điểu trưởng thành

Đối với chuồng nuôi cho đà điểu trưởng thành, bà con hãy chọn xây chuồng trên mặt bằng cao ráo, hướng ánh sáng mặt trời, thoát nước tốt. Giai đoạn này phần lớn thời gian đà điểu đều thích ở ngoài trời, nên phần sân chơi với chúng rất quan trọng. Sân chơi phải có diện tích rộng, chiều rộng khoảng 5m, chiều dài ít nhất 50m, khoảng 80 – 100m là phù hợp nhất để đà điểu chạy nhảy không bị cản trở.

Nền sân trồng cỏ hoặc đất nện và có chỗ rải cát vì tập tính của đà điểu là thích tắm cát làm sạch cơ thể. Dọn sạch các dị vật trong sân chơi như gạch, đá, mảnh thuỷ tinh, túi bóng hay các vật nhỏ nhọn sắc để tránh cho chúng ăn phải các thứ này. Trên sân trồng các loại cây có tán rộng để chúng tránh nắng, nghỉ ngơi.

Khi xây chuồng nuôi, bà con lưu ý thêm một số điểm liên quan đến máng ăn uống. Vì đà điểu thân hình to lớn, nên máng ăn phải to, kích thước khoảng 0.3*0.25*0.1m, 4 – 5 con/máng ăn. Máng làm bằng gỗ, để cố định trên cao khoảng 0.7 – 0.8m để tránh đà điểu giẫm đạp lên nhau. Nước có thể đựng vào bồn cao su, lượng nước đủ để đà điểu uống tự do. Mỗi ngày bà con hãy thay nước và rửa sạch máng 1 lần, chỉ cho đà điểu uống nước mát, không để bồn nước dưới ánh mặt trời.

Có một điều quan trọng liên quan đến tập tính sinh sống của đà điểu bà con nên lưu ý, đó là đà điểu rất dễ kinh động khi có tiếng động lớn đột ngột hoặc có người lạ mặt. Đà điểu nên được ưu tiên chăm sóc ở khu vực yên tĩnh, nếu bị hoảng loạn chúng có thể chạy loạn xạ dẫm đạp lên nhau gây gãy chân, rách da hoặc thậm chí là gẫy cổ.

Kỹ thuật nuôi đà điểu thịt. Chuồng nuôi đà điểu. Thức ăn cho đà điểu

IV. Thức ăn cho đà điểu

Đà điểu là loại động vật ăn tạp và rất phàm ăn. Chính vì vậy thức ăn cho đà điểu khá đơn giản, dễ kiếm. Bà con có thể tham khảo thêm bài viết chi tiết >> Các loại thức ăn cho đà điểu và cách cho ăn

V. Phòng bệnh trên đà điểu

Một số căn bệnh thường gặp ở đà điểu như bệnh viêm túi lòng đỏ, bệnh lậu, bệnh tắc đường tiêu hóa. Khi đà điểu mắc bệnh, bà con nhớ kịp thời chữa trị ngay, nếu không sẽ làm đà điểu yếu dần rồi chết. Để biết cách điều trị, bà con hãy liên lạc với bác sĩ thú ý để có đơn thuốc phù hợp, không nên tự ý tìm thuốc bậy bạ cho đà điểu uống.



Bà con muốn mua hoặc bán cây giống, con giống?

Đăng Bán / Mua

HÃY CHIA SẺ SUY NGHĨ CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT?! (Bình luận của bạn sẽ hiển thị sau khi được quản trị viên phê duyệt)

Please enter your comment!
Please enter your name here